Trang chủ » Hội Võ Bị Bắc Cali » Hậu quả của việc chính quyền Hoa Kỳ ngừng hoạt động—Tổng hợp

Hậu quả của việc chính quyền Hoa Kỳ ngừng hoạt động—Tổng hợp

Thư viện

MỤC LỤC

Ðài Tưởng niệm Lincoln ở Washington đóng cửa, ngày 1/10/2013.

Hai đảng đổ lỗi nhau khi chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

Tổng thống thuộc đảng Dân chủ của Mỹ chỉ trích các thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện “trốn tránh trách nhiệm” khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa, trong khi đảng Cộng hòa cho biết họ đang nỗ lực để tìm hướng giải quyết chung.

USA Todaydẫn lời Tổng thống Barack Obama cho rằng các nghị sĩ của đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm về việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, đồng thời khẳng định kế hoạch về y tế của ông sẽ “tiếp tục thực hiện”.

Cuối ngày, tổng thống Mỹ có cuộc nói chuyện điện thoại với Chủ tịch Hạ viện John Boehner cùng một số nhà lập pháp hàng đầu khác nhưng không tìm được hướng giải quyết bế tắc.

“Quốc hội có hai trách nhiệm, thông qua một dự luật về nâng trần nợ ngân sách và giải quyết các khoản nợ của chính phủ. Đảng Cộng hòa Mỹ đang trốn tránh cả hai việc đó”, ông Obama nói.

Hạ viện Mỹ nhanh chóng có sự đáp trả sau phát biểu của tổng thống Mỹ. Telegraph dẫn lời ông Boehner cho biết các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện không hề có ý định làm chính phủ Mỹ phải đóng cửa. “Chúng tôi đã bỏ phiếu để chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động”, ông nói.

John Boehner còn kêu gọi “sự công bằng” cho tất cả công dân Mỹ khi đạo luật chăm sóc sức khỏe (Obamacare) được thực hiện. Ông cho rằng Thượng viện và Hạ viện Mỹ cần ngồi lại với nhau trong một cuộc họp để xóa bỏ sự khác biệt.

Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ trong Hạ viện, lại cho biết việc buộc chính phủ Mỹ đóng cửa nằm trong kế hoạch của đảng Cộng hòa và là sản phẩm của hệ tư tưởng chống chính phủ trong đảng này.

“Đó là một sự bất đồng không cần thiết, làm thổi bay nước Mỹ”, Harry Reid, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện cho biết khi thời hạn đêm ngày 30/9 đã trôi qua được 2 phút.

Người dân Mỹ đã có nhiều phản ứng khác nhau sau khi biết tin Quốc hội thất bại trong việc đưa ra ý kiến thống nhất chung, buộc chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động.

“Họ nên cùng nhau thỏa hiệp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thất vọng vì họ không có đủ khả năng làm điều đó”, Emily Enfinger, một người thích đi du lịch nói sau khi biết tin tượng Nữ thần Tự Do buộc phải đóng cửa.

“Hóa đơn hàng tháng, học phí con gái. Tôi còn nhiều vấn đề cần giải quyết bằng tiền lương của mình”, ông Smith, một bảo vệ 23 tuổi ở Công viên lịch sử di sản hàng không quốc gia Dayton, bang Ohio cho biết. “Tôi đang rối loạn và cũng chỉ biết chờ đợi như bao người khác”.

Nguyễn Tâm

Mỹ: Hết ngân sách, 800.000 công chức nghỉ việc không lương (RFI, 01/2013)

Nước Mỹ gần như tê liệt. Những lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama không làm thay đổi tình thế. Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ không đạt được đồng thuận về Đạo luật Tài chính cho phép tránh được cái gọi là « bức tường ngân sách ». Các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục, nhưng trong khi chờ đợi, nước Mỹ phải hoạt động chậm lại do không còn tiền. Khoảng 800 000 công chức buộc phải nghỉ việc không lương.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình  :

“Trong những giờ qua, các văn bản được trao đổi liên tục giữa Hạ viện và Thượng viện. Nhưng trên thực tế, các cuộc thương lượng giữa các nghị sĩ không hề tiến triển. Hạ viện chuyển tới Thượng viện Đạo luật tài chính đẩy lùi một năm việc thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội. Các văn bản này, sau khi được sửa đổi và tái lập lịch trình thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội, gọi là « Obamacare », được Thượng viện gửi trả lại Hạ viện. Có thể gọi đây là cuộc đối thoại giữa những người điếc. Do Đạo luật tài chính không được thông qua, một phần ba công chức rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật kể từ hôm nay, 01/10/2013.

Các lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama về trách nhiệm của các nghị sĩ cũng như các tiếp xúc của ông với các lãnh đạo đảng Cộng Hòa không làm thay đổi được tình thế, cho dù, theo các cuộc thăm dò dư luận do các phương tiện truyền thông thực hiện, người dân Mỹ mệt mỏi về cuộc khủng hoảng này và đa số quy trách nhiệm cho đảng Cộng Hòa về việc đóng cửa các cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, bên trong đảng Cộng Hòa đã bắt đầu có những thay đổi. Bởi vì giờ đây, khủng hoảng đã xảy ra và không ai chịu nhượng bộ cả, các dân biểu do vậy phải thương lượng với nhau. Mọi việc đều có thể. Bên trong đảng Cộng hòa , vào đêm qua, đã có một sự nổi dậy của những chính trị gia ôn hòa, họ đã bỏ phiếu chống lại đảng của mình để tránh một tìnht trạng thất nghiệp kỹ thuật đối với các công chức. Nhưng họ không đủ đông, thiếu mất vài phiếu. Điều này có nghĩa là một số chính trị gia bắt đầu chán ngán cuộc chiến chống Đạo luật về bảo hiểm xã hội – Obamacare, được bỏ phiếu thông qua cách nay ba năm.

Bởi vì, các nhà phân tích đều đồng ý với nhau trên một điểm  : Cuộc khủng hoảng này có hại cho đảng Cộng Hòa. Được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này là các dân biểu cực hữu, thuộc Tea Party. Chính đảng cực đoan này chống lại mọi sự can thiệp của Nhà nước và bác bỏ thẳng thừng mọi đề xuất, được đánh giá là chính đáng, của Tổng thống Barack Obama.

Lãnh đạo Tea Party Amy Kremer tuyên bố  : Luật cải cách bảo hiểm xã hội đã được thông qua mà không có lấy một phiếu ủng hộ của đảng Cộng Hòa. Tôi nghĩ là kết quả cuộc bầu cử tổng thống lẽ ra sẽ khác. Đúng là ông Obama đã tái đắc cử nhưng Hạ viện đã được bầu lại, với đa số thuộc đảng bảo thủ. Bà Kremer còn tố cáo Thượng nghị sĩ Harry Reid, thuộc đảng Dân Chủ là muốn đóng cửa các cơ quan của Nhà nước bởi vì ông ta nghĩ rằng đó sẽ là một thắng lợi đối với đảng Dân Chủ trong năm 2014.

Đối với các nghị sĩ ôn hòa thuộc đảng Cộng Hòa, họ có nguy cơ bị mất ghế trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Trong khi chờ đợi các dân biểu đạt được thỏa thuận, 800 000 công chức Mỹ bị thất nghiệp kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực phải hoạt động chậm lại hoặc không hoạt động gì hết.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA gần như bị đóng cửa  : 97% trong tổng số 18 000 nhân viên buộc phải ở nhà. Đây cũng là trường hợp các công chức làm việc trong Cơ quan bảo vệ môi trường  ; hậu quả là các khuôn viên quốc gia phải đóng cửa từ 01/10/2013.

Các lĩnh vực Y tế, Quốc phòng bị mất 50% nhân viên. Trong các bệnh viện, chỉ có những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân còn làm việc. Trong lĩnh vực Quốc phòng, tất cả những gì liên quan đến an ninh quốc gia thì vẫn hoạt động, như cuộc chiến chống khủng bố. Các binh sĩ vẫn ở vị trí của mình, các hoạt động kiểm tra hải quan không bị ảnh hưởng.

Những công chức nói trên tuy vẫn làm việc, nhưng lương của họ sẽ bị trả chậm, trong khi đó, số nhân viên được coi là « không cần thiết » thì phải nghỉ không ăn lương.

Cuộc khủng hoảng này gây ra những rối loạn trong tổ chức công việc, nhưng việc đóng cửa các cơ quan của Nhà nước gây tốn kém khoảng 200 triệu đô la mỗi ngày cho nước Mỹ”.

Anne-Marie Capomaccio

Viễn cảnh nước Mỹ khi chính phủ đóng cửa

Tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của New York và nước Mỹ, sẽ đóng cửa với khách tham quan, trong khi hầu như toàn bộ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ ngừng hoạt động khi chính phủ Mỹ đóng cửa.

Dưới đây là viễn cảnh của nước Mỹ khi chính phủ ngừng một phần từ hôm nay do không được bơm tiền hoạt động.

Công chức

Tổng thống Obama hôm qua cho biết hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ làm việc trên khắp thế giới sẽ thấy bị chậm lương do chính phủ đóng cửa, và thêm hàng trăm nghìn người nữa sẽ phải nghỉ phép vô thời hạn.

Theo dự tính của hãng tin Reuters, sẽ có tới một triệu nhân viên liên bang có thể phải đối mặt với cảnh nghỉ việc không lương từ ngày 1/10.

“Thứ sẽ không được chi trả tất nhiên sẽ là các hóa đơn, tài sản thế chấp, tiền học, tiền xe của họ. Họ sẽ bị chịu thiệt hại nặng nề, và kết quả là tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu Quốc hội quyết định đóng cửa chính phủ của người dân”, Obama nói.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội tuyên bố “sẽ đóng cửa trên quy mô lớn” nếu chính phủ không còn tiền. Hầu hết các nhân viên Cơ quan Bảo vệ Môi sinh và Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau cũng sẽ bị nghỉ việc không lương.

Giao thông hàng không

Các nhân viên kiểm soát không lưu liên bang vẫn làm việc bình thường ; các bộ phận kiểm tra an ninh sân bay cũng vậy. Thanh tra liên bang sẽ làm việc để đảm bảo các quy định an toàn bay.

Di chuyển quốc tế

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục xử lý đơn xin visa từ nước ngoài và đơn xin cấp hộ chiếu Mỹ, bởi chi phí làm đơn dùng để trang trải cho các dịch vụ này. Các đại sứ quán, lãnh sự ở nước ngoài sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho công dân Mỹ. Tuy nhiên, bộ tuần này cảnh báo rằng hoạt động lãnh sự tại Mỹ và nước ngoài sẽ chỉ mở chừng nào “còn có đủ tiền hỗ trợ hoạt động”.

Từ 20.000-30.000 đơn xin visa đã không được xử lý mỗi ngày trong suốt hơn hai chục ngày chính phủ ngừng hoạt động vào giữa những năm 1990, theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội. Gần 200.000 đơn xin cấp hộ chiếu Mỹ cũng không được xử lý, gây thất thoát hàng triệu USD cho ngành công nghiệp du lịch và hàng không Mỹ, báo cáo cho hay.

Tòa án liên bang

Tòa án liên bang thông thường sẽ tiếp tục hoạt động trong vòng tầm10 ngày làm việc sau khi việc đóng cửa chính phủ bắt đầu, có thể cho tới khoảng giữa tháng 10. Nếu việc đóng cửa tiếp diễn, cơ quan tư pháp có thể sẽ phải cho nghỉ phép không lương đối với những nhân viên làm những việc không được coi là thiết yếu. Nhưng các vụ án sẽ vẫn được thụ lý.

Bộ Tư pháp thông báo họ sẽ đình chỉ nhiều vụ việc dân sự, nhưng những vụ án hình sự sẽ tiếp tục bình thường.

Giải trí

Tất cả công viên quốc gia nhiều khả năng sẽ đóng cửa, bên cạnh các bảo tàng Smithsonian, Vườn thú Quốc gia ở Washington. Những người đến công viên để cắm trại qua đêm hay sử dụng cơ sở vật chất công viên sẽ được cho 48 giờ để sắp xếp và rời công viên. Các trung tâm tham quan khác sẽ bị đóng cửa còn có : Tượng Nữ thần Tự do và Đảo Ellis ở New York, Hội trường Độc lập ở Philadelphia, đảo Alcatraz gần San Franciso và Đài tưởng niệm Washington.

Số nhân viên sẽ ở mức “tối thiểu nhằm thực hiện các chức năng thiết yếu”, theo Bộ Nội vụ. Điều này đồng nghĩa với việc có thể tới 70.000 nhân viên sẽ bị phải nghỉ việc không lương.

Việc đóng cửa 368 địa điểm công viên quốc gia làm mất đi 7 triệu khách tham quan trong vụ đóng cửa năm 1995 và 1996. Còn việc đóng cửa các công viên, tượng đài quốc gia dẫn thất thu hàng triệu USD cho cộng đồng địa phương.

Y tế

Các bệnh nhân mới sẽ không được tiếp nhận vào nghiên cứu y học tại Viện Y tế Quốc gia (NIH), nhưng những bệnh nhân hiện có sẽ tiếp tục được chăm sóc. Hoạt động nghiên cứu y học tại NIH sẽ bị đình chỉ và một số nghiên cứu sẽ bị trì hoãn. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh dịch cũng sẽ bị hạn chế mạnh trong việc phát hiện và nghiên cứu những nạn dịch, từ cúm tới virus MERS bí ẩn từ Trung Đông.

An toàn thực phẩm

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ sẽ xử lý những khiếu nại có nguy cơ cao và có khả năng đình chỉ hầu hết những cuộc thanh tra định kỳ. Công tác thanh tra thịt liên bang dự kiến diễn ra như thường lệ.

Thuế

Người Mỹ sẽ vẫn phải đóng thuế và khai thuế, nhưng Sở Thuế Vụ nói họ sẽ đình chỉ tất cả hoạt động kiểm toán. Có thắc mắc ? Rất tiếc, dịch vụ dành cho người nộp thuế, trong đó có đường dây giải đáp câu hỏi cũng sẽ đóng cửa.

Nhiều người đi vay thu nhập từ thấp tới trung bình, và những người mua nhà lần đầu muốn xin một khoản thế chấp có sự hỗ trợ của chính phủ sẽ bị trì hoãn trong quá trình đóng cửa. Cơ quan Quản lý Nhà Liên bang, vốn đảm bảo 30% số thế chấp nhà, sẽ không bảo lãnh phát hành hay chấp nhận bất cứ khoản vay mới này trong quá trình đóng cửa. Các hoạt động cho vay do chính phủ hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ bị đình chỉ.

Khoa học

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) “sẽ đóng cửa gần như toàn bộ”, tổng thống Mỹ nói. Chỉ có những nhân viên tại Trung tâm Điều khiển bay ở Houston và một số nơi khác sẽ tiếp tục làm việc để hỗ trợ trạm Vũ trụ Quốc tế, nơi hai phi hành gia Mỹ và 4 người khác đang được triển khai.

Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ sẽ tiếp tục dự báo thời tiết và phát cảnh báo, còn Trung tâm Bão quốc gia vẫn sẽ theo dõi bão. Tuy nhiên, hoạt động khoa học tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ sẽ bị đình chỉ.

Nhà tù

Tất cả 116 nhà tù liên bang vẫn mở cửa, và kiện tụng hình sự vẫn diễn ra. Tuy nhiên, tiền lương dành cho quản tù có thể sẽ bị chậm.

Quân đội

Tổng thống hôm qua ký luật đảm bảo rằng 1,4 triệu binh sĩ đang làm nhiệm vụ sẽ vẫn được trả lương trong giai đoạn chính phủ đóng cửa.

“Quốc hội đã thông qua, và tôi đang ký thành luật, đảm bảo rằng các bạn nhận lương đúng thời hạn. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết bất cứ tác động nào mà vụ đóng cửa này gây ra đối với các bạn và gia đình”, Obama nói trong một thông điệp video dành cho quân đội Mỹ và gia đình họ.

Tuy nhiên khoảng một nửa số nhân viên dân sự của Lầu Năm Góc sẽ được cho nghỉ việc không lương.

Trọng Giáp

Tài chính thế giới phản ứng trái chiều với tin xấu từ Mỹ

Việc Mỹ tạm đóng cửa chính phủ chưa gây “sóng gió” đáng kể trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đồng đôla đã giảm nhẹ và giá vàng đi lên.

Tin Quốc hội Mỹ không tin được tiếng nói chung trong chính sách y tế (Obamacare) khiến chính phủ nước này đóng cửa gây ảnh hưởng trái chiều lên thị trường tài chính quốc tế, sau ít giờ được công bố. Tính đến giữa chiều nay (1/10) theo giờ Hà Nội, đôla Mỹ đã giảm giá 0,1% so với các đồng tiền trong rổ tiền tệ phổ biến, xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng.

Trên thị trường hàng hóa, vàng tăng 0,1%, lên mức 1.328,6 USD một ounce. Trước đó, kim loại quý đã tăng liền 7,6% trong quý III, giúp đồ thị đảo chiều sau 3 quý giảm trước đó. Ngược lại, giá dầu thô Brent hạ 0,5%, ở ngưỡng 107,8 USD một thùng sau khi tăng 6% trong 3 tháng.

Trên thị trường chứng khoán, do các thị trường tại Mỹ và châu Âu chưa bước sang ngày 1/10 nên diễn biến chủ yếu được ghi nhận tại châu Á. Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương tăng 0,4%, đạt 139,05 điểm vào giữa phiên tại Tokyo. Angus Gluskie, Giám đốc đầu tư của quỹ quản lý tài sản White Funds đánh giá : “Các số liệu về kinh tế tại châu Á đã tốt hơn và điều này đem lại cho các nhà đầu tư chút gì đó lạc quan”.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật cũng tăng 0,2% lên gần 14.485 điểm, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,1% và Straits Time (Singapore) thêm gần 0,5%, Taiex (Đài Loan – Trung Quốc) tăng 0,16%… Trong khi đó, ASX của Australia dao động liên tục giữa tăng và giảm. Riêng thị trường Hong Kong và Trung Quốc đang đóng cửa nghỉ Quốc khánh 1/10.

Dường như quên đi vấn đề của Mỹ, các nhà đầu tư tại châu Á đang đợi chờ tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về gói kích cầu kinh tế và kế hoạch tăng thuế tiêu dùng tại đất nước Mặt trời mọc.

Đây là lần đầu tiên sau 17 năm nhiều cơ quan liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động khi hai viện không thông qua được ngân sách. Hệ quả sáng ngày 1/10 (theo giờ Mỹ) sẽ có khoảng 800.000 lao động phải nghỉ việc vô thời hạn, trong đó ước tính 400.000 người đang làm việc trong Bộ Quốc phòng, 30.000 người thuộc Bộ Thương mại và hàng chục nghìn nhân lực thuộc các Bộ khác. Chỉ có 3 bộ phận vẫn hoạt động bình thường là điều phối không lưu, an ninh quốc phòng, năng lượng và vũ khí hạt nhân

Khánh Linh


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Quốc Kỳ

%d người thích bài này: