Trang chủ » Việt Nam Cộng Hoà » Quê Hương và Tổ Quốc » Sinh Hoạt » Giáng Sinh Khó Quên—Nguyễn Thị Hải Hà

Giáng Sinh Khó Quên—Nguyễn Thị Hải Hà

Thư viện

MỤC LỤC

Mới giữa tháng Mười Hai nơi tôi làm việc đã trang trí mừng lễ Giáng Sinh. Dây kim tuyến trắng bạc giăng khắp nơi. Ở góc tường chiếc xe lửa có nhiều toa màu đỏ chạy vòng quanh cây Noel gắn đèn chớp tắt màu trắng làm không khí có vẻ tưng bừng hẳn lên. Viền quanh phòng làm việc của bà Jean Đi Bộ là mấy chiếc vớ to màu đỏ và các nốt nhạc màu trắng cắt bằng những miếng nhựa xốp. Ban Công chánh ăn tiệc sớm vì đa số nhân viên nghỉ hai tuần cuối năm mừng lễ, mãi đến sau Tết Dương Lịch mới trở lại. Tôi vẫn chưa mua quà cho con tôi. Hôm nay thứ Năm là ngày lĩnh lương. Cuối tuần này tôi sẽ đưa con gái đi mua quà. Tôi đến gặp Natasha.

“Tôi cần chị đi với tôi đến cầu Moor.”

“Tại sao phải đi hôm nay? Trưa nay là tiệc Giáng sinh mà. Để tuần sau đi.” Natasha vùng vằng.

“Nếu không cần gấp thì tôi đã không làm phiền chị. Đi hôm nay trời rất ấm vì có Indian summer. Tôi hứa sẽ đưa chị về trước giờ ăn trưa để dự tiệc Giáng sinh.”

Tôi lái xe đưa Natasha đến cầu Moor. Đây là loại cầu quay, giống như một cái bàn chân, khi mở, những “ngón chân” ngóc lên, còn cái “gót chân” sà xuống gần mặt nước. Trong lúc lái xe tôi giải thích, cần phải đi ngày hôm nay vì lệnh trên đưa xuống. Tổng Giám đốc của công ty muốn áp dụng cách khóa cầu của một công ty ở tiểu bang khác vào cầu Moor. Đường hỏa xa chạy trên cầu này băng qua eo biển có nhiều thuyền qua lại. Cầu mở cho đường thủy giao thông. Khi hạ cầu xuống đường rầy trên cầu phải nối liền với đường rầy trên đất như không hề bị cắt làm đôi. Để đề phòng cầu bị tách rời khi xe hỏa đang đến, giữa hai mối cắt này là một thanh khóa rất to được điều khiển bằng máy. Máy khóa cầu của cầu Moor vẫn còn tốt nhưng thuộc loại máy cũ. Tổng Giám đốc muốn dùng máy mới điều khiển bằng điện tử. Lệnh của Tổng Giám Đốc đưa xuống, sếp tôi muốn được lòng thượng cấp, ra lệnh phải thi hành ngay trong ngày hôm nay.

“Chị biết. Tôi chỉ là lính, phải tuân lệnh cấp trên. Sếp bảo nhảy là nhảy thôi!”

“Chẳng những thế, chị phải hỏi lại là cần nhảy cao đến mức nào.” Natasha trêu tôi.

Những khi cần ra ngoài công trường tôi thường yêu cầu Natasha đi với tôi. Một để giữ an toàn, trường hợp có tai nạn thì có người gọi cấp cứu. Hai, vì cùng là đàn bà với nhau. Tôi phân công. “Chị vào trạm gác cầu báo là tôi sẽ làm việc trên giàn máy quay cầu chừng hai giờ đồng hồ. Chị có thể ở trong trạm gác cho ấm, khi nào tôi cần chị giúp trong việc đo đạc tôi sẽ gọi. Nhắc người gác cầu mở còi hụ báo cho tôi biết khi phải mở cầu cho thuyền đi qua.”

Ước tính khoảng cách từ dưới mặt đất đến chỗ đặt máy để có thể mang dụng cụ và đồ phụ tùng để lắp ráp bộ máy điều khiển cái khóa cầu, tôi nhìn xuống bên dưới sàn chứa máy lót bằng fiberglass màu vàng. Có một sợi dây chạy song song theo đường rầy xe lửa mà lần trước ra cầu này tôi không để ý. Đường dây này cản trở công việc của tôi. Trên cầu thường có những dây chạy tín hiệu không còn dùng nữa nhưng công nhân không muốn mất thì giờ tháo bỏ chúng. Những dây này gọi là dây chết, vì không có điện. Tôi nghĩ sợi dây này là dây chết và tôi sẽ đề nghị tháo bỏ nó. Muốn biết khoảng cách từ đường dây điện đến sàn chứa máy bao xa tôi kéo thước dây bằng thép nghiêng người thả thước dây xuống. Đo cái này xong là tôi có thể đưa Natasha về. Công việc nhanh hơn tôi dự tính. Ăn tiệc Giáng sinh xong tôi sẽ về sớm. Có lẽ tôi sẽ nhân dịp này đi mua quà cho con tôi. Con bé muốn Santa cho một con búp bê bằng vải đội hoa hướng dương.

– “Ê! Chị kia… A! STOP! Ngừng lại! Đụng…chết! Tiếng la hét xôn xao hỗn loạn phía dưới đất vọng lên, mỗi lúc một cấp bách hơn. Tôi nghe nhưng không mấy chú ý cứ cố gắng giữ cây thước thả xuống phía dưới cho thẳng để đo khoảng cách của sợ dây đến sàn của giàn máy nơi tôi đang đứng. Gió thổi cây thước của tôi nên tôi cố gắng mấy lần mà không được. Cho dù Natasha có ở trên giàn máy này cũng chẳng giúp tôi được.

Tiếng la hét rõ rệt hơn và người la hét không ai khác hơn là Natasha và người gác cầu. Cả hai hối hả rời trạm gác chạy về hướng tôi. Natasha vẫy tay lia lịa, tôi chẳng hiểu chuyện gì. Người gác cầu ở phía sau Natasha dường như rượt nàng. Tôi ngơ ngác nhìn, tay vẫn cầm cây thước một đầu thả đong đưa phía dưới. Người gác cầu thổi còi. Tiếng còi xé rách không khí. Đâu có chuyến xe lửa nào. Phải còn ít ra hai mươi phút mới có chuyến xe lửa kế tiếp. Tôi nhìn người gác cầu. Anh ta tréo hai cánh tay trước mặt như hình chữ X rồi dang tay ra, ba lần liên tiếp. Tôi chợt nhận ra những tiếng la hét ấy dành cho tôi với dụng ý bảo tôi ngừng tức khắc công việc tôi đang làm.

Khi người gác cầu và Natasha đến gần, ngước mặt lên quát mắng tôi.

“Sao chị ngu thế. Chị thả thước dây lòng thòng xuống nhỡ chạm vào dây điện cao thế là chết đấy.”

“Dây điện cao thế nào?” Tôi hỏi ngớ ngẩn, không tin sợi dây điện màu nâu tầm thường này dây điện cao thế.

“Tôi không chạm vào dây điện. Dây điện thì phải có bọc chất cách điện bên ngoài cây thước của tôi nhỡ có chạm vào thì cũng chẳng hề gì.” Tôi cố cãi.

Người gác cầu vừa quát, vừa khoác tay ra hiệu bảo tôi phải xuống ngay lập tức. Công việc coi như đã xong, tôi vâng lời. Anh ta và Natasha quay trở lại trạm gác cầu. Tôi xốc túi đồ nghề lên lưng. Cây thước dây bằng thép bất ngờ rơi xuống đụng vào sợi dây điện. Một ánh chớp lóe lên, một tiếng nổ lớn, tôi ngã vào hàng rào cản trên sàn chứa máy. Hình ảnh đôi mắt đen láy, mái tóc pompei, xúng xính trong bộ áo ngủ trắng có hình trái dâu tây màu đỏ của con tôi là điều cuối cùng mà tôi nhớ.

Có một dạo tôi không ưa Natasha vì Natasha cùng phe với Sue White. Nghĩ cũng lạ. Lẽ ra chúng tôi phải thân với nhau thay vì xem nhau như kẻ thù. Cả ba chúng tôi đều là di dân. Natasha là người Nga, đến Mỹ trước tôi và Sue. Tôi và Sue đều là dân da vàng, cùng là kỹ sư cơ khí. Trong ban Công chánh có mấy chục kỹ sư toàn là đàn ông, nhưng chỉ có hai chúng tôi là phụ nữ. Natasha là họa viên chuyên vẽ kỹ thuật. Sue gốc Hoa sinh ra ở Costa Rica, mười lăm tuổi di dân sang Hoa Kỳ. Lấy chồng Mỹ, Sue đổi họ Wang lấy họ White của chồng. Cô ta bảo rằng muốn bứt cho sạch cái gốc người Hoa. Sue có đôi mắt xếch, rất đẹp. Khuôn mặt trái xoan dễ nhìn tuy nhiên hàm răng khấp khểnh vì không đeo niền chỉnh răng như người Mỹ từ lúc nhỏ. Thêm vào đó Sue thuộc tạng người béo phì và bị chứng hói. Phụ nữ mà bị hói như đàn ông, đầu Sue đã mang máng lộ chỗ hói hình tròn giống như cái bánh donut.

Sue nhiều tham vọng, muốn trở thành kỹ sư trưởng nên lúc nào cũng nhắc nhở và phóng đại năng khiếu chỉ huy của mình. Chuyện này đáng lẽ chẳng phiền lòng tôi nếu Sue không dùng tôi làm đối tượng cho khả năng tự thổi phồng của Sue. Gặp ai Sue cũng giới thiệu tôi là nhân viên của Sue. Sue vào làm trước tôi hai năm, chức vụ cao hơn tôi một bậc, nhưng không phải là sếp của tôi. Tất cả chúng tôi lúc ấy đều làm việc dưới quyền một ông già Mỹ, người da trắng tên Weber.

Đôi khi tôi tự hỏi tôi không phục tùng Sue, không xem Sue là cấp trên của tôi vì bản tính tôi bướng bỉnh, bất trị bởi thời thơ ấu không ai dạy dỗ, suốt ngày chạy rong trên đồng cỏ, hay vì Sue trẻ tuổi và là đàn bà. Đàn bà thường không phục tùng đàn bà. Tôi đã nghe rất nhiều phụ nữ nói rằng họ không thích làm việc dưới quyền đàn bà vì đàn bà thiển cận, đói khát quyền lực, thiếu ý chí, không biết quyết định, và còn hằng chục lý do khác nữa. Đàn bà thường sợ người khác giỏi hơn mình vì thế hay dìm tài người khác. Phụ nữ không biết làm việc chung với nhau, không biết làm “teamplayer.” Kẻ thù của phụ nữ là một người phụ nữ khác. Phải chăng đàn bà, kể cả tôi, quá quen thuộc với nền văn hóa phụ hệ chỉ muốn tuân lệnh đàn ông? Hay vì Sue không có tài chỉ huy? Tôi ghét Sue làm tài lanh dạy dỗ tôi những chuyện chẳng liên quan gì đến công việc, thí dụ như “chị phải dạy ông chồng Việt Nam của chị cho biết cách đối xử với đàn bà.” Sue quan niệm đàn ông Á châu nào cũng chồng chúa vợ tôi, giống như bố Sue. Cô nàng hay nói lớn giọng với tôi về việc phụ nữ bị trả lương ít hơn nam giới dù công việc họ làm giống nhau. Tuy nói với tôi nhưng dụng ý của Sue là muốn ông Weber nghe. Dường như Sue muốn chứng minh Sue xứng đáng là sếp của tôi bởi vì cái gì cô cũng giỏi hơn tôi. Khi tôi khoe một môn học tôi được điểm cao. Sue bảo “tôi ghét phải van xin nịnh nọt mấy ông thầy để được điểm cao.” Biết chồng tôi là người Việt, Sue bảo phải lấy chồng Mỹ thì mới thấm nhập văn hóa Mỹ để có thể được tiếp nhận vào xã hội Mỹ. Những chuyện như thế tuy nhỏ nhặt nhưng dần dần tôi đâm ra ghét Sue. Ghét đủ đến mức thầm nguyền rủa cho cô nàng té xuống sông chết chìm khi ra công trường. Nếu hai chúng tôi có ý tưởng khác biệt trong công việc Sue thường bắt tôi phải chìu ý Sue vì cô nàng lúc nào cũng nghĩ là mình đúng. Để được lòng sếp có lần Sue sai tôi mang xe sếp ra tiệm rửa xe. Tôi chống đối yếu ớt, thường làm lơ hơn là cãi lại. Không vừa ý tôi không phản đối mà ngấm ngầm uất ức rồi trở nên cau có hay lạnh nhạt. Tuy nhiên Sue chỉ lắng nhắng với tôi chứ không làm thế với Natasha. Tôi tự hỏi có phải vì tôi nhút nhát hay vì tôi không giỏi cãi nhau bằng tiếng Anh. Hay vì Natasha là người da trắng và được lòng của cấp trên? Hay tại Natasha biết cách bày tỏ ý nghĩ mỗi khi bất đồng ý kiến với Sue?

Vì nói tiếng Anh không giỏi nên tôi tránh tranh luận với Sue. Tôi trả đũa bằng cách khác. Sue thường ví von:

“Ban Công chánh giống như là một cái sở thú. Richard là con cọp. James là con gấu. Natasha là một con thiên nga đỏm dáng. Nhìn chị ấy xem lúc nào cũng yểu điệu mượt mà. Bob là con chó sủa to mà không cắn.”

“Chị có biết chị giống con gì không?” Nhìn thẳng vào mắt tôi, Sue hỏi.

“Tôi không nghĩ là tôi giống bất cứ con vật nào.” Tôi nhìn thẳng vào mắt Sue. Có lẽ vẻ hằn học hiện rõ nên cô nàng nhìn lảng sang chỗ khác. Tôi thầm nghĩ tôi giống như con hummingbird, chăm chỉ, và có cái mỏ nhọn sẵn sàng rỉa rói tấn công. “Còn chị giống con gì?” Tôi hỏi.

“Con heo!” Sue tự chế nhạo nàng.

Tôi mỉm cười không nói gì. Và có lẽ cái cười mỉm này làm Sue không vừa ý.

“Heo là con vật khôn ngoan và rất sạch sẽ.” Cô nàng nói tiếp.

Tôi lại cười.

“Má tôi nuôi nhiều heo. Chị dâu tôi chịu không nổi mùi heo, cám heo, và phân heo đã bỏ nhà chồng chạy về nhà mẹ ruột ba ngày sau khi kết hôn.”

Buổi trưa hôm ấy Sue rủ tôi đi ăn buffet. Sau câu chuyện tự ví von với heo, tôi biết Sue mặc cảm vì cái dáng béo của nàng. Tôi ngoáy vào vết thương của Sue.

“Ôi, tôi béo lắm rồi. Đi ăn kiểu này thì tôi sẽ như con lợn mất. Tôi đang cố gắng mất vài pound đây.”

“Chị mà diet thì trước tiên là mất cả bộ óc.” Sue trả đũa giọng chua như giấm.

“Nếu nhịn ăn mà mất bộ óc thì sao cô ăn nhiều mà óc không lớn lên.” Tôi nói thầm; muốn nói thẳng với Sue nhưng e sẽ cãi nhau lớn chuyện nên tôi làm thinh, nhưng tức tối. Và ghét.

Nếu Sue như một con lợn thông minh lắm mồm thì Natasha như một con thiên nga sang trọng, đài các và yểu điệu. Sue không bao giờ nặng lời với Natasha như với tôi, dù chức vụ của Natasha thấp hơn của tôi. Có gì không đồng ý về đồ án và bản vẽ Natasha không nói với tôi mà đi nói với Sue. Không chỉ được lòng Sue, Natasha được lòng tất cả mọi người cấp trên. Mỗi khi vào họp toàn ban, người đông thiếu ghế, Natasha luôn được sếp mời ngồi trong khi đám kỹ sư, kể cả phụ nữ như tôi và Sue, phải đứng. Bình đẳng mà. Khi công ty có một cuộc chấn chỉnh nội bộ Sue rời khỏi ban công chánh. Trong công việc mới tuy Sue không được tăng lương nhưng được quyền chỉ huy chừng hai tá công nhân, thế là thỏa lòng mơ ước. Được một thời gian, có lẽ không vừa ý nên cô nàng lại chuyển qua ban khác. Vốn đã bị hói đầu, tóc của cô nàng càng rụng nhiều hơn. Thỉnh thoảng gặp Sue White trong công ty, chúng tôi giả vờ không nhìn thấy nhau.

Thoát khỏi sự kềm kẹp của Sue, tôi im lặng làm việc. Tôi tuân lệnh cấp trên tuyệt đối vì tôi biết trong cái xã hội nho nhỏ này, nó rập khuôn xã hội lớn ngoài kia, đàn ông là chúa tể.  Rất ít phụ nữ có quyền thế trong công ty này, và những người phụ nữ quyền thế này chẳng đoái hoài gì đến tôi. Tôi đoán trước ý muốn của cấp trên luôn hoàn thành nhiệm vụ, và vượt qua những dự đoán của sếp. Tôi được giao nhiều đồ án có giá trị tài chánh rất cao, lên chức hai ba lần và Natasha trở thành nhân viên dưới quyền tôi. Vẫn còn căm ghét Natasha đã về phe với Sue, tôi muốn trả đũa tận tình nhưng chỉ có thể dở trò xéo xắt. Tôi không thể đối xử tệ với Natasha vì chị được cấp trên mến chuộng dù chị không chăm chỉ làm việc như tôi. Tôi vẫn thường nghe nói, nhưng không tin, là xã hội Hoa Kỳ có một thứ tự, không nói thành lời cũng không viết thành văn bản. Đó là đàn ông da trắng được xếp ở địa vị cao nhất, kế đến là đàn ông da đen, rồi phụ nữ da trắng, phụ nữ da đen, đàn ông Á châu và cuối cùng mới đến đàn bà Á châu. Cho dù tôi có học cao hơn, làm việc siêng hơn, nhưng Natasha vẫn được yêu mến hơn và kính trọng hơn.

Không hiểu tại sao tôi và Sue lại có thể ghét nhau như mèo với chó, thật ra chúng tôi rất giống nhau. Giàu tham vọng, và thích quyền hành. Sue thích chỉ huy nhưng tôi thì thích được ở vị trí của người chỉ huy mà không cần phải chỉ huy. Thỉnh thoảng họp với các hãng kỹ sư tư vấn phụ trách công việc sửa chữa cầu giúp tôi, tôi được làm chủ tọa. Tôi ngồi ở đầu bàn và hai bên là những kỹ sư sẽ làm công việc giúp tôi. Tôi có cảm tưởng tôi là lãnh đạo của những người ăn mặc nghiêm chỉnh sang trọng, ăn nói lưu loát, hiểu biết, và nhiều kinh nghiệm này. Say sưa với giấc mơ thành công, tôi làm việc tận lực. Có con đầu lòng, tôi chỉ nghỉ sáu tuần trong khi đa số phụ nữ nghỉ sáu tháng. Trời mùa đông, lạnh đến độ tất cả các bắp thịt trên mặt dường như đông cứng lại tôi vẫn ra công trường trông coi những công trình sửa chữa cầu. Trong khi tôi đang cố gắng đuổi theo một chức vị cao hơn thì má tôi qua đời. Tôi không về Việt Nam dự đám tang vì nếu người khác làm thế công việc tôi, mọi cố gắng của tôi có thể sẽ tan như bọt sóng. Chức vụ, cái biểu tượng của sự thành công, lủng lẳng trước mắt tôi, chỉ cần ráng chút nữa, vươn chút nữa, tay tôi sẽ chạm đến. Nhưng tôi không đạt được chức vụ tôi muốn. Chị tôi làm đám tang cho mẹ vắng mặt tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi thành công má tôi sẽ vui và có lẽ bà tha tội bất hiếu cho tôi.

Khi tỉnh dậy tôi thấy đầu tôi đang gác trên đùi Natasha. Vẻ mặt Natasha đầy lo lắng.

“Tôi làm sao thế?”

“Cây thước dây chị đánh rơi đụng vào dây điện. Cây thước bốc cháy và cái biến điện gần đó bị nổ. Chị bị ngã đụng đầu ngất đi. Xe cứu thương sắp đến để chở chị vào nhà thương.” Natasha nói. “Nếu chị còn cầm cây thước trên tay thì có lẽ chị đã biến thành trái banh lửa.” 

“Nổ máy biến điện à? Chắc tôi sẽ bị mất việc làm thôi. Tôi xin lỗi đã không thể giữ lời hứa đưa chị về kịp giờ để ăn tiệc Giáng sinh.”

Natasha khoác tay. Giọng Natasha ấm áp, dịu dàng.

“Chị đúng là điên. Suýt mất mạng không sợ mà lại lo mất việc. Chị bình an là mừng rồi.”

Chuyện như mới hôm qua nhưng thật ra đã xảy ra mười lăm năm về trước. Sau cái tai nạn suýt chết đó tôi nhìn Natasha bằng đôi mắt khác. Ở chị có vẻ điềm tĩnh vui vẻ với công việc và mọi người chung quanh. Chị làm việc vừa phải tránh những tranh giành ganh tị, không nói những lời chua ngoa hay lên mặt với người khác. Dù tôi nhiều khi khắc nghiệt Natasha vẫn dịu dàng với tôi. Tôi nhận ra rằng sự ganh tị và tranh giành của tôi là những chuyện vô bổ.  Người ta thành công nhiều khi nhờ may mắn hơn là tài ba. Sự hung hăng và hiếu thắng của tôi biết đâu chừng lại cản trở mức độ tiến thân, bớt hung hăng có lẽ tôi có nhiều bạn bè hơn và được nhiều người hỗ trợ hơn. Thành công và sự nghiệp có thể biến thành trái banh lửa trong nháy mắt. Sau cái Giáng sinh ấy tôi có nhiều thay đổi. Tôi nhận ra rằng cuộc đời rất mong manh. Tôi có thể vĩnh viễn không về sau một ngày làm việc. Suýt tí nữa con tôi đã không có quà, mà cũng chẳng còn mẹ.


Nguyễn Thị Hải Hà

Quốc Kỳ