“Con” Bính—Topa

Thư viện

MỤC LỤC

Trong phòng chờ đợi để ra máy bay đầy người. Có nhiều người phải đứng. Trong số những người đứng có nhiều người đưa mắt nhìn đến những cái ghế không có người ngồi với vẻ mặt không vui. Những cái ghế trống đó đã bị những hành khách có hành lý xách tay để lên nên họ phải đứng.

Ngoài trời tuyết vẫn đang rơi, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ làm cho không khí lạnh buốt vào những ngày cuối đông. Trong phòng chờ có để sưởi vậy mà một người đàn ông trung niên lấy cái khăn quàng cổ định quàng cho người đàn bàcó lẽ là vợ của ôngnhưng bị người đàn bà có dáng sang trọng cằn nhằn và nói là đang bị nực.

Thái độ của người đàn bà đã làm cho Thành, trưởng toán nhóm làm vệ sinh máy bay phải chú ý đến, để rồi, anh nhận ra người đàn bà sang trọng đó chính là “con” Bính ngày xưa. Thời gian bốn mươi hai năm dài không một lần gặp lại nhưng Thành dễ dàng nhận ra “con” Bính vì sự thay đổi trên khuôn mặt không nhiều. Thành không ngạc nhiên khi thấy “con” Bính còn đẹp hơn ngày trước nữa. “Người có tiền khác với người nghèo là vậy”. Thành nghĩ như vậy rồi lại nhìn khắp phòng; nhìn những người sẽ đi chuyến bay hôm nay để về thăm quê hương. Thành lại nhìn “con” Bính và chợt nhớ năm nay là năm Bính Thân thì “con” Bính, mà tên đầy đủ trong giấy khai sinh là Ngô Thị Hoàng Bính; cũng được đúng sáu mươi tuổi. Ngày trước người đàn bà sáu mươi tuổi, như má của Thành, đã là bà già. Nhưng, với “con” Bính và với rất nhiều người đàn bà thời nay thì khác. Hình ảnh của “con” Bính, của những ngày xa xưa thân ái, của một thời tuổi thơ khi đất nước đang thanh bình, và, của một thời mới lớn chợt hiện ra trong đầu của Thành…

***

Năm Bính Thân 1956, khi đó Thành được năm tuổi, một hôm má của Thành nói:

– Con theo má qua bên nhà bác Hai hàng xóm có chút việc. Bác Hai mới sinh một bé gái chắc con thích lắm.

Sở dĩ má của Thành nói vậy vì Thành cứ hỏi khi nào má sinh em bé. Trong lúc má của Thành và bác Hai nói chuyện thì Thành đến cầm tay đứa bé và nựng nó cách sung sướng như thể đó chính là em ruột của Thành vậy. Thành quay đầu nhìn má hỏi:

– Má ơi con nhỏ này  tên gì hả má?

Bác Hai trả lời thay:

– Tên của em là Bính đó con. Con thương em không?

– Dạ…

Má của Thành trách yêu:

– Con phải gọi là em chứ sao lại gọi con.

– Nó là con gái thì con gọi nó là con.

– Nó là con gái thì con gọi nó là con. Mà… mà sao nó giống con khỉ quá vậy má?

Hai người đàn bà nhìn nhau cười thật lớn nhưng không ai nói thêm điều gì nên Thành đinh ninh cách gọi của Thành là đúng. Sau này khi lớn lên Thành mới được biết là “con” Bính khi mới sinh cái mặt của nó nhăn nhiều nên trông giống con khỉ con. Má “con” Bính định đặt tên cho con là Bính Thân vì sinh  năm Bính Thân, nhưng rồi ba má nó chỉ đặt tên Bính thôi.

Sau đó má của “con” Bính cầm tờ giấy một đồng đưa cho Thành và nói:

– Mỗi sáng con cầm cái tô đựng nước tiểu của con qua đây rồi bác lại cho con một đồng.

Thành còn đang ngơ ngác không hiểu má của “con” Bính nói gì thì má của Thành đã giục:

– Cám ơn bác và chào bác rồi đi về con.

Tối hôm đó trước khi đi ngủ má của Thành để một cái tô ngay chân giường và căn dặn:

– Sáng ra con cứ đái vào cái tô này rồi cầm đem qua cho má của bé Bính và bác ấy sẽ cho con tiền. Còn cái tô thì cứ để ở bên ấy chiều má qua lấy, hoặc bác ấy sẽ đem qua sau.

Từ đó mỗi sáng Thành đều làm đúng như má dặn và Thành cũng không thắc mắc tại sao má của “con” Bính lại… mua nước tiểu của Thành để làm gì. Cho đến một buổi sáng nọ, sau khi Thành đưa tô nước tiểu và nhận một đồng, thay vì Thành đi ăn sáng ngay như mọi khi thì vì muốn nựng “con” Bính nên Thành được chứng kiến má của “con” Bính cầm tô nước tiểu của Thành uống một hơi cạn hết tô. Thành vội vàng chạy thật nhanh về nhà để nói cho má nghe điều mà Thành cho là… khủng khiếp.

Vừa bước chân vào đến nhà Thành kêu lên thật lớn:

– Má ơi má. Má ơi má.

– Chuyện gì vậy Thành.

Má của Thành vội vã đi từ nhà sau lên và vừa đi vừa hỏi với vẻ lo lắng.

– Má của “con” Bính cầm cái tô nước tiểu của con rồi uống một hơi hết trơn hết trọi luôn.

Má của Thành vội đưa một ngón tay trỏ lên miệng của mình ra dấu cho Thành đừng nói lớn.

– S…u…ỵ…t… Sao con lại la toáng lên như vậy là sao hả, thằng quỷ. Bác ấy bị… gì đó nên thầy Hòa dặn bác ấy là mỗi sáng phải uống nước tiểu của đứa con trai còn nhỏ như con thì mới tốt. Nhà bác ấy giàu và hơn nữa bác ấy thương con nên cho một đồng chứ ai lại làm vậy bao giờ. Con đừng nói cho ai biết chuyện này nghe hôn. Con mà nói thì bác ấy không cho con tiền nữa đâu.

Thành gật đầu và anh cũng không nói cho ai biết điều đó vì Thành sợ không được một đồng. Trước đó thì mỗi sáng má của Thành chỉ cho anh năm cắc thôi. Tuy chỉ là năm cắc nhưng Thành cũng mua được gói xôi bắp hoặc khúc bánh mì bì ăn no căng bụng luôn. Bây giờ có một đồng thì Thành ăn sáng cũng chỉ năm cắc, còn năm cắc thì để đến giờ ra chơi Thành sẽ mua một cây cà-rem ba cắc và một bịch nước đá nhận si-rô hai cắc.

Một thời gian ngắn sau đó khi má của “con” Bính không cần uống nước tiểu nữa thì cũng vừa lúc Thành được gia đình đưa lên học nội trú trên Đàlạt. Từ đó Thành cũng quên “con” Bính và chuyện tô nước tiểu luôn. Vì gia đình của Thành cách Đàlạt khá xa và hơn nữa tiền bạc cũng eo hẹp nên một vài năm Thành mới về thăm nhà một lần. Khi Thành về thăm nhà lần đầu vào dịp Tết năm 1960, Thành có qua thăm gia đình “con” Bính và có vài lần nắm tay dẫn nó đi loanh quanh nhà. Năm năm sau cũng vào dịp Tết Thành trở về thăm gia đình thì anh nhìn thấy một cô bé khoảng chín tuổi rất xinh trong bộ đầm mới toanh đứng trong sân nhà của Thành. Thấy Thành nhìn con bé với vẻ thích thú nên má của Thành nói:

– Bé Bính đó con. Con nhìn nó không ra là đúng rồi. Lớn cứ như thổi và xinh vô cùng.

Khi nghe má nói như vậy  thì hình ảnh… tiểu vào tô những buổi sáng vừa thức dậy chợt hiện ra nên Thành vội vã hỏi:

– Má của “con” Bính…

– Bác ấy mất khoảng hai năm nay rồi con à.

Thành cảm thấy như bị một vật gì chận ngay cổ làm cho anh bị nghẹn và làm cho hai con mắt của anh bị cay cay. Thành tội nghiệp cho má của “con” Bính vì bác ấy đối xử rất tốt với Thành. Thành đi ra sân gặp “con” Bính. Thành gọi:

– Bính.

“Con” Bính quay nhìn Thành với hai con mắt mở lớn ngạc nhiên. “Con” Bính quay người toan bỏ đi thì má của Thành cũng vừa đến bên:

– Bính à, đây là anh Thành con của bác đó con. Vô đây con. Vô đây bác cho con ăn mứt bí ngon lắm con.

“Con” Bính vui vẻ đi theo má của Thành vô nhà. Con Bính tỏ ra dạn dĩ với Thành chứ không rụt rè. “Con” Bính vừa ăn mứt vừa nghe Thành kể chuyện. Khi Thành kể chuyện ma thì “con” Bính nói:

– Em sợ ma quá à.

Thành cười thật lớn và nói:

– Em đừng có sợ. Đâu có ma đâu mà sợ.

“Con” Bính nhìn Thành không nói nhưng Thành nghĩ là nó không tin không có ma.

Những ngày sau đó Thành dẫn “con” Bính, lúc thì đi xem hội chợ rồi sau đó đi ăn chè. Hôm khác thì đi xi-nê rồi sau đó đi ăn hủ tiếu bò viên. “Con” Bính tỏ ra quyến luyến Thành nên thường xin ba cho qua ăn cơm tối với Thành. Ba của “con” Bính khen Thành còn nhỏ mà đã tỏ ra chững chạc và trí thức. Ngày anh từ giã để trở về Đàlạt học tiếp thì “con” Bính khóc lóc đòi đi theo làm cho anh phải dỗ mãi với những lời hứa sẽ mau về và đưa nó đi hội chợ và đi ăn hủ tiếu bò viên là món mà nó rất thích thì nó mới chịu nín. Vậy mà mãi đến tám năm sau, tức là năm 1973 khi Thành tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đàlạt, khi đó Thành hai mươi hai tuổi, anh mới quay trở về lại căn nhà xưa. Lúc này má của Thành đã già nhưng vẫn còn mạnh khỏe lắm. Khi Thành vừa bước vô nhà thì thấy một cô thiếu nữ xinh đẹp và cao ráo đang bước ra khỏi nhà. Thành vội vã chào:

– Chào cô.

Cô gái nhìn ngay Thành và nở nụ cười thật tươi đưa ra hai hàm răng trắng muốt và thật đều. Cô gái nhí nhảnh hỏi Thành vẻ thật thân mật:

– Anh Thành phải không? Anh nhớ em không?

Thành còn đang ngơ ngác thì cô gái bĩu cái môi dưới ra và hỏi vẻ thách đố:

– Chắc anh quên rồi chứ gì?

Thành còn đang ngờ ngợ thì cô gái đã tự giới thiệu:

– Em là… con Bính nè.

Thành vội buông cái túi xách xuống đất rồi hai tay chắp lại với nhau như tỏ vẻ muốn xin lỗi. Thành nói:

– Cô… em… em Bính… mau lớn quá anh nhìn không ra. Anh không ngờ…

Bính nhắc lại chuyện xưa mà Thành đã hứa làm cho anh ngượng vô cùng:

– Anh không ngờ anh hứa lèo mà… con Bính này thì không quên phải hông?

Thánh ấp úng nói:

– Anh… Anh thật có lỗi… với em quá….

– Ủa, sao anh Thành không gọi em là “con” Bính nữa mà lại gọi là em?

Bất chợt hình ảnh của đôi song ca kích động rất nổi tiếng Mai lệ Huyền và Hùng Cường chợt hiện ra làm cho Thành mỉm cười vì trong một bài hát kích động có câu: “Sao không kêu người ta như ngày xưa. Không kêu người ta con nhỏ…”

Má của Thành nãy giờ đứng nhìn Thành và Bính, bây giờ bà mới lên tiếng:

– Bính à. Con về nói với ba là bác mời ba và con chiều nay qua nhà bác ăn cơm mừng anh Thành về phép nghe con.

– Dạ.

Bính nhìn Thành với ánh mắt thật tình cảm:

– Em về nha anh Thành.

Khi tiễn Bính ra tới cổng, Thành nói nhỏ:

– Em và ba nhớ qua sớm nghe… em Bính.

***

Cuối năm sau 1974 Trung uý Thành về phép thăm gia đình. Bây giờ “con” Bính đang làm việc trong trường mẫu giáo có hai mươi bốn em. Trong thời gian gần một năm qua Thành gởi về sáu cái thư cho “con” Bính với những lời thật  tình cảm nhưng “con” Bính chỉ hồi âm có một lần. Vừa gặp mặt Thành liền gặng hỏi:

– Em lười viết thư hay em không thích viết cho anh?

– Em sợ…

– Em sợ ma?

– Không. Bây giờ em không còn sợ ma nữa. Nhưng em sợ… anh đi rồi không về thì chắc em sẽ là ma.

– Em không bao giờ là ma đâu. Em là thiên thần. Thiên thần thì chế ngự được ma quỷ và sẽ… phù hộ cho anh; cho… cả hai đứa mình.

– Anh có giận em không?

– Giận em thì anh không gặp lại em hôm nay. Má anh có cho biết tin về em nên anh cũng yên tâm. Anh chỉ sợ em… có người khác rồi quên anh thôi.

– Em không bao giờ quên anh đâu. Mãi mãi không bao giờ em quên anh.

– Bính à, chắc em cũng hiểu lòng anh như thế nào rồi. Chiến tranh đã làm cho chúng mình phải tạm thời xa cách nhưng anh cũng không bao giờ quên em. Nếu em đồng ý thì má anh sẽ qua nhà nói chuyện với ba em rồi khoảng giữa năm sau hai đứa mình sẽ làm lễ cưới. Em thấy anh tính như vậy có được không thì cho anh biết.

– Anh tính sao cũng được hết.

Nhưng, lễ cưới của Thành và “con” Bính đã không bao giờ được thực hiện như dự tính. Cho đến một ngày đầu xuân năm 1983, Thành mới được ra khỏi trại cải tạo sau tám năm bị giam trong cái gọi là, trại học tập cải tạo. Đơn vị mà Thành là Đại úy Đại đội trưởng đã bị một đơn vị của Bắc quân tràn ngập. Trong tám năm tù Thành không được một lần thăm viếng vì gia đình tưởng anh bị mất tích. Tang thương đã đến với gia đình Thành khi má anh qua đời trong cô đơn và đói nghèo mà anh thì hoàn toàn không nhận được tin tức; kể cả tin của người vợ sắp cưới. Ngày ra tù Thành phải sống lang thang rày đây mai đó cho đến một năm sau thì anh thoát ra khỏi nước và đến định cư tại thủ đô Paris.

***

Hành khách đang lần lượt đi vào máy bay. Khi “con” Bính và chồng đi ngang qua chỗ Thành đứng anh liền quay mặt qua hướng khác. Thành rất muốn gặp lại “con” Bính nhưng lại sợ làm cuộc sống của nàng bị xáo trộn. Tự trong thâm tâm Thành vẫn tin tuyệt đối là “con” Bính không quên anh như anh không bao giờ quên. Thành nhìn đồng hồ thì thấy chỉ còn tám phút nữa máy bay sẽ cất cánh. Tuy không nhìn ngay hai người, nhưng nghe lỏm câu chuyện họ đang trao đổi, và chuyến bay sẽ đáp ở Seattle, Thành nghĩ là hai người sống đâu đó trong nước Mỹ. Trong lòng, anh rất muốn xem tên người trong vé có phải là “Ngo” không, như để xác quyết trí nhớ của mình, nhưng sau đó anh lại nghĩ: “biết để làm gì, chuyện gì đã yên thì để nó yên đi”. Như anh, hết ca làm mỗi ngày thì anh sẽ lại về nhà, dùng bữa tối trong gia đình hay thỉnh thoảng ghé quán nhậu với bạn. Không ai muốn tự dưng nếp sống đều đặn này bị xáo lên vì một chuyện “không đâu”. Tuy thế, mắt anh vẫn thấy cay cay, và anh nhìn mãi cánh cửa dẫn ra hành lang vào phi cơ giờ đã đóng. Thành  muốn biết “con” Bính đang ở thành phố nào. Trong danh sách hành khách của chuyến bay, tên Ngô Thị Hoàng Bính là công dân Mỹ và sinh sống ở tiểu bang Texas.

Rồi khi Thành nhìn chiếc máy bay đang từ từ chạy ra phi đạo. Anh nói nhỏ như đang nói với “con” Bính: “Vĩnh biệt em. Vĩnh biệt “con” Bính yêu quý của anh.”

Lần thứ hai trong đời Thành thấy như bị một vật nào đó chận ngay cổ và hai con mắt bị cay cay.

Topa (Hoà Lan)

 

Quốc Kỳ

%d người thích bài này: