Quốc Kỳ

Vì Tiền Đồ Tổ Quốc

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

ĐA HIỆU ONLINE

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam | Đà Lạt Ngày 9/11/1971—TKS4648 | Go Vietnam

Chicken À La Carte—Ferdinand Dimadura

Tâm Thư Ban Tổ Chức Đại Hội Võ Bị 2024

Đi Tìm Thu Vàng Ở Cali—Trịnh Thanh Thuỷ

Nói đến mùa thu, hình ảnh đậm nét nhất khiến chúng ta liên tưởng ngay đến là những chiếc lá vàng. Khi thiên nhiên thay áo, có lẽ màu vàng của lá qua quá trình chuyển màu đập vào thị giác con người mạnh mẽ nhất. Hơn bao giờ hết, cảnh đẹp, buồn, thơ của thu quyến rũ và chạm sâu đến tận đáy trái tim của những tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật, cái đẹp và chuộng thiên nhiên.

blank

Con đường gần hồ Convict Lake

blank

Bên bờ hồ Convict Lake

blank

Hồ Convict Lake

Khác với mùa xuân là mùa của hoa, thu là mùa của lá. Albert Camus đã ví “Thu là mùa xuân thứ hai, khi mỗi chiếc lá là một bông hoa”. Thu là những bức tranh, bức hình tuyệt đẹp của mẹ đất. Thu là nắng, gió, sương, khói, sông, núi, nàng thơ. Thu là tất cả những gì nhẹ nhàng, êm ả, lãng mạn. Thu là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm ra đời. Con người đi tìm cảnh thu để thưởng ngoạn và sáng tác. Tuy nhiên, những kẻ thực sự săn tìm mùa thu nhiều nhất có thể là nói là giới nhiếp ảnh. Mùa thu là mùa săn ảnh bận rộn nhất của họ. Các địa điểm có lá vàng đẹp đều là điểm nhắm cho các cung đường và hành trình của những chuyến đi.

Ở Hoa Kỳ, muốn biết lá vàng ở đâu đẹp và rực rỡ nhất bạn chỉ việc leo mạng hỏi ông Google, tìm Fall Foliage Prediction Map, là bản đồ thời gian và điạ điểm có lá vàng, bạn sẽ có đủ thông tin cần thiết. Nếu có điều kiện và phương tiện di chuyển bạn có thể mua vé máy bay hoặc theo tour du lịch đến những nơi có mùa thu với đủ sắc màu xanh, đỏ, cam, vàng, nâu như những công viên quốc gia hoặc núi đồi, sông suối ở các tiểu bang Đông Bắc nước Mỹ.

Các bạn ở Cali có thể lái xe đi về phía bắc Cali gần công viên quốc gia Yosemite, là nơi có rất nhiều cảnh thiên nhiên đặc biệt với biết bao lá vàng. Tuy nhiên, tìm một nơi có đủ điều kiện thuận lợi lý tưởng cho một bức hình đẹp tuyệt vời ra đời vẫn cần có người thông thạo nơi chốn dẫn đường.

blank

Yosemite Valley View

blank

Mono Lake

blank

Gần Mammoth Lake

Năm nay tôi theo chân hội ảnh VNPC đi tìm lá vàng ở khu vực Bishop- Yosemite trong mấy ngày cuối tuần.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi trực chỉ là hồ North Lake của vùng Bishop. Rời Little Saigon từ 10 giờ đêm, chúng tôi cố gắng lái xe đến hồ trước khi mặt trời thức dậy. Mặt trời còn được ngủ nhưng dân săn ảnh không dám ngủ vì phải rình ghi hình khuôn mặt đỏ hồng của ông khi ông vừa thức giấc !!! Với người chụp ảnh, buổi sớm mai và hoàng hôn là những giờ vàng mà ánh sáng đẹp nhất nên muốn có hình đẹp, họ phải ra đi khi trời chưa sáng và trở về lúc mặt trời khuất núi từ lâu. Tôi luôn gọi đùa họ là những người tự hành xác. Thật vậy, nếu bạn đã từng chứng kiến những NAG cao tay, chuyên môn chụp những thú vật hoang dã, bạn mới hiểu sự kiên nhẫn của họ đến độ nào. Họ nấp một chỗ gần tổ chim đại bàng, chờ con trống mang mồi về trao cho con mái ở trên không để chụp hình. Họ ghi lại những giờ phút ngoạn mục trao mồi ấy, cả những phút một con khác từ đâu bay đến cướp mồi. Họ phải nghiên cứu kỹ thói quen, chu trình đi và về, cách kiếm mồi của từng loại chim để có thể phục kích với cái ống nhắm ghi hình khổng lồ như một khẩu Bazooka bắn xe tăng.

Cái khó khăn là không thể lại gần động vật hoang dã, chỉ động nhẹ là chúng bay hay chạy mất, mà khi ghi hình, hình ảnh phải đẹp và rõ nét, cả đôi mắt và thân hình nữa. Thời gian chờ đợi không phải là phút giây mà có thể là hàng nhiều giờ, đợi chúng đứng lên, vỗ cánh bay, đi săn mồi, về tổ, mớm mồi cho con. Tổ những con cò, hay những sinh vật khác có thể là đầm lầy, ghi hình cho rõ đôi khi họ phải nằm sát dưới bùn, hay leo lên mỏm đá, sự nguy hiểm có thể xảy ra trong phút đợi chờ mà họ không hề biết. Đó là chưa kể những nơi thời tiết khắc nghiệt như sa mạc nóng thiêu người hay băng tuyết gió bão. Phải nói là không đam mê và yêu cái đẹp họ không bao giờ có thể làm được những điều này.

Trở lại câu chuyện, Sau khi ngủ dật dờ trên xe, tôi theo đoàn đi bộ vào địa điểm chụp hình đẹp nhất mà anh hội trưởng dắt đường. Trời vừa hừng sáng chúng tôi đã bắt đầu chụp cảnh hồ tuyệt đẹp với cả rừng lá vàng soi bóng êm ả bên hồ. Lúc này ở Bishop, lá thu đang vào độ rực rỡ nhất. Chúng tôi tiếp tục đi qua Sabrina Lake, Silver Lake rồi ghé Mono Lake vào buổi chiều khi trời còn nắng. Mono Lake là một cái hồ đặc biệt khác hẳn những hồ khác mà nét đặc thù của nó lôi cuốn rất nhiều du khách khi ghé Cali. Nằm trong vùng Eastern Sierra ngoạn mục của California, Mono Lake là một ốc đảo nằm trên một vùng Great Basin(bể lưu vực) bị khô hạn. Nơi đây là môi trường sống quan trọng cho loài tôm và ruồi kiềm, cũng đã làm mồi quyến dụ hàng triệu loài chim thiên di đến, đi và ở lại làm tổ. Mono Lake nguyên thủy là một hồ muối soda, nông và rộng đến 18.265 ha (182 km²) và được tạo lập ít nhất 760.000 năm trước đây. Việc thiếu lối thoát nước đã gây ra mức độ tích tụ muối cao trong hồ. Chất muối này cũng làm cho nước hồ bị kiềm. Điểm đặc biệt nổi rõ lô nhô trên mặt hồ là những vùng đá vôi được gọi là Tufa nằm rải rác trông rất lạ mắt. Những tháp đá Tufa với hình thù kỳ lạ này được hình thành khi các khoáng chất cacbonat kết tủa ra khỏi vùng nước nóng. Chúng trông như những phế tích hay thành quách tí hon còn lại của một quốc gia, một triều đại bị sụp đổ qua sự tàn phá của thiên nhiên.

blank

Hồ North Lake- Ảnh NAG Lê Tâm

blank

Dòng suối gần Sabrina Lake

Những ngày kế tiếp chúng tôi ghé Convict Lake. Chính ở khu vực Mammoth Lake và Convict Lake này chúng tôi khám phá ra những con đường dọc theo hồ và suối đầy những lá vàng tuyệt đẹp. Buổi chiều, gió nổi khiến lá vàng xoay tròn bay nhảy khắp nơi như những điệu luân vũ bất tận của đất trời. Tôi nhìn con đường màu vàng dường như mở rộng đến vô tận đã đưa tôi vào một thế giới thơ mộng mà vô cùng xúc động. Lững lờ đây đó những đàn vịt thong thả bơi qua như nhắc nhở bức tranh thủy mạc này còn có sự sống diệu kỳ.

Cái tên Convict Lake nghe rất kỳ quặc, làm ai cũng thắc mắc. Tiếng Việt có thể đọc trại ra “Hồ Convịt”. Thực ra nghĩa của chữ “Convict” là “xử phạt, kết án”. Cái tên Convict Lake được đặt sau này, do một biến cố xảy ra vào ngày 23 tháng 9 năm 1871, ngày một nhóm tội phạm đã trốn thoát từ một nhà giam ở thành phố Carson, Nevada. Một thành viên của toán lính truy đuổi tù nhân trốn trại đã bị giết ở đây. Tên Convict Lake ra đời để tưởng niệm người đã hy sinh và ngọn núi trước mặt hồ được đặt tên ông, là Mt Morrison. Rời nơi này chúng tôi ghé ngang vài cái hồ nữa như Tioga Lake, June Lake, Tuolume Meadow và Yosemite Valley View để chụp cảnh hoàng hôn. Điểm dừng cuối của chúng tôi là Công viên quốc gia Yosemite với Glacier Point vào buổi sớm mai.

Yosemite National Park với những cây Sequoia khổng lồ, hồ, suối, thác, núi và rừng rộng lớn mênh mông là một thắng cảnh rất nổi tiếng của California. Xe chạy giữa những rừng thông ngút ngàn xen lẫn những cây Bạch Dương và Phong lá vàng, lá đỏ khiến chúng tôi không ngừng tấm tắc khen ngợi cảnh đẹp mùa thu hoang dại của núi rừng. Chúng tôi ghé Mariposa Grove là rừng cây Sequoia lớn nhất của công viên, nơi có hàng trăm cây to vĩ đại đứng sừng sững thi gan cùng đất trời. Hình lại được chụp, nhưng vội vã hơn vì chúng tôi phải vượt đường xa vạn dặm quay về nhà, chấm dứt hành trình đi tìm thu vàng của Cali.

Trịnh Thanh Thủy

vietbao.com

Sinh Viên Đà Lạt Hành Khúc—Nguyễn Minh Hải K31

Phân Ưu Ông Phạm Quang Mỹ, K10

Phân Ưu Cùng Anh Chị Lê Như Tuấn K30

Phân Ưu Ông Nguyễn Đình Tạo, Cựu Sĩ Quan Cán Bộ

Phân Ưu Cùng Anh Đồng Đăng Khoa K19

Tình Cha—Khuyết Danh

Dòng nước mắt một đời không luống cạn
Giọt mồ hôi năm tháng chẳng hề vơi
Đó tình cha muôn thuở vốn không lời
Trong lặng lẽ, âm thầm như chiếc lá.

Buồn hay vui Cha cũng cam để dạ
Khóc hay cười Cha để cả trong tim
Như đại dương, lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn.

Công dưỡng dục suốt một đời lận đận
Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm
Bên đời con, Cha một bóng âm thầm
Luôn che chở bằng bóng râm mát dịu.

Tấm lòng cha một đời con đâu hiểu
Bởi tình Cha luôn lắng dịu ngọt ngào
Tuy giá băng nhưng sâu thẳm dạt dào
Cho mà chẳng mong chút nào đền đáp.

Rồi mai kia trên đường đời muôn dặm
Con mới hay sâu thẳm tấm lòng Cha
Luôn bao la và cũng rất mặn mà
Tình Cha đó, ngàn năm vang vọng mãi

Khuyết danh

Happy Father’s Day

Cô Gái Việt—Hùng Lân

Phụ Nữ Lâm Viên Hành Khúc—Phiêu Bồng, K13

Happy Mother’s Day

Phân Ưu Cùng Anh Trần Văn Khâm, K21

Phân Ưu Cùng Chị Lại Đức Hùng K24/1

Phân Ưu Cùng Anh Chị Phan Nghè K19

Phân Ưu Ông Hứa Văn Giang, K11

Phân Ưu Cựu Đại Tá Chỉ Huy Trưởng

Nghi Lễ Phủ Quốc Kỳ VNCH và Truy Điệu Cố Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận—Sara Hong Tran
Lễ Phủ Cờ và Truy Điệu Cố NT Đỗ Ngọc Nhận K3 San Antonio—Anh Nguyen

Mời click vào để xem hình ảnh do CSVSQ Nguyễn Tài Ánh K20: Nghi Thức Phủ Kỳ Cố Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận—Cựu Chỉ Huy Trưởng | San Antonio, Texas

Phân Ưu Ông Nguyễn Văn Xuân, K10

Chúc Mừng Năm Mới Quý Mão

Liên Khúc Xuân 2023—Asia Entertainment Official
100 Nhạc Xuân 2023—Đan Nguyên Bolero
Nhạc Xuân Thúy Nga | Xuân Đã Về—Nhạc Xuân Sôi Động Đón Giao Thừa 2023

Phân Ưu Bà Quả Phụ Lâm Quang Thi, K3/1

Phân Ưu Cùng Anh Chị Vũ Khắc Hồng, K30

Chúc Mừng Giáng Sinh & Năm Mới

Happy Thanksgiving

Người Thương Binh Uống Rượu Bên Giòng Sông—Thái Tú Hạp

Rượu uống bao nhiêu chiều rồi nhỉ 
Chỉ thấy giòng sông đỏ dáng trời 
Chỉ thấy lòng ta mưa chẳng tạnh 
Sóng sầu nghiêng ngả mảnh hồn trôi

Bạn cứ đi. Đừng quên người ở lại 
Ta một mình. Sống được với quê hương 
Như mãnh thú khép mình trong phố nhỏ 
Đốt hết tuổi đời nghiệt ngã đau thương

Bao lần bên giòng sông soi mặt 
Thoáng nhớ mây trời đỉnh Chu Phong 
An Lộc – Khe Sanh – Đèo Lao Bảo 
Tử sinh ta xem nhẹ như không

Ngày tháng rong chơi lửa reo đầu đạn 
Ta giờ lạc mất những đường chim 
Ngồi lại bên giòng u uất sử 
Uống giọt cuối cùng máu rỉ từ tim 

   Chia với cỏ cây nỗi niềm tri kỷ 
Nhân gian chừng như lãng quên ta 
Chiều uống rượu bên giòng sông tủi nhục 
Hát một mình bài hát cũ: Quốc Ca  

Bao năm thấu triệt đời hư huyễn 
Tâm động hồi chuông nhung nhớ quê 
Tưởng đến ngày mai. Thầm ước nguyện 
Giòng sông thắp nắng đón nhau về

 Lâu quá hai phương trời cách biệt 
Bạn hiền nay đã giạt về đâu! 
Phố cũ chiều trôi đời nhạt nắng 
Trong gió vọng nghe tiếng hát sầu?!…

Phân Ưu Cùng Chị Nguyễn Văn An K16/1

Nắng Chiều—Hoàng Thục Linh | SBTN

Phân Ưu Cùng Chị Lưu Đình Hạnh K27/1

Hạc Xưa Về Khép Cánh Tà―Nguyễn Thị Hải Hà

Hạc ít khi xuất hiện trong văn học Tây phương; tuy vậy, thường được nhắc đến trong huyền thoại và tôn giáo. Khi Odysseus và Diomedes mang con ngựa gỗ Trojan đánh chiếm thành Troy thành công, nữ thần Athena gửi chim hạc đi khắp nơi để báo tin mừng. Hình dáng mảnh mai, bước đi khoan thai, và cái vẻ đơn độc của loài hạc luôn được khen tặng là biểu tượng cho nét quý phái, thanh lịch, và tự do; một vẻ đẹp tự nhiên của đất trời.  

Thuở xưa người Ai Cập thờ thần Benu. Tiếng kêu của Benu đánh dấu sự khai thiên lập địa và một ngày nào đó, tiếng của Benu cũng sẽ báo hiệu ngày tận thế. Hình tượng hay tranh vẽ cho thấy Benu giống như con hạc. Người La Mã tin rằng hạc là biểu tượng của sự tái sinh.  Ovid, nhà thơ La Mã sinh năm 43 trước Công Nguyên và mất năm 17 (hay 18), giải thích rằng Ardae, thành phố nhỏ phía Nam La Mã, bị tướng Aeneas của quân đội thành Troy, san thành bình địa. Giữa hoang tàn đổ nát có con chim màu xám tro xuất hiện. Con chim có hình dáng mảnh khảnh cổ cao và chân dài, giang cánh đôi cánh rộng ngửa cổ thoát ra một tràng âm thanh áo não. Người Anh gọi loài chim này là Ardea Cinerea có nghĩa là con hạc màu tro.  Hình ảnh và tiếng kêu của chim hạc được xem là điềm lành.

Tôi từng nghĩ rằng hạc là loại chim chỉ có trong tôn giáo, huyền thoại, thi ca, và âm nhạc.  Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hạc tận mắt. Tôi chỉ thấy hạc qua tranh vẽ, chim hạc ngậm tràng hạt bay đi về hướng nào đó, chắc là Thiên Thai hay Bồng Lai tiên cảnh.

Không biết tôi gặp con hạc nào trước. Hạc trong cái hạc bay lên vút tận trời (1) hay hai con hạc trắng bay về, về Bồng Lai (2). Dù sao, tôi cũng biết thêm một điều, hạc là loài chim màu trắng. Theo tranh vẽ, hạc có mỏ dài, cổ cong, cẳng cao, trông giống như con cò.

Năm 2007, về thăm Việt Nam tôi thấy tượng chim hạc trong vài đền thờ. Hạc rất cao lớn và dưới chân là con rùa nhỏ xíu. Tôi thắc mắc. Phải chăng người mình dùng hạc, để thay thế phụng của người Trung quốc, làm biểu tượng của sự trường thọ. Tôi tự hỏi vì sao một loài chim quý ở cõi tiên lại được đặt bên cạnh rùa, một loài vật của hạ giới. Hạc và rùa có lẽ cùng hiện diện ở chùa và đền thờ rất nhiều nên ca dao Việt Nam có hai câu:

Cảm thương con hạc ở chùa
Muốn bay da diết có rùa giữ chân

Tôi gặp hạc nhiều hơn trong thi ca Việt Nam. Chim hạc có màu trắng. Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói thế.

Anh nằm gối cỏ chờ hoa
Áo em bạch hạc la đà thái hư (Phạm Thiên Thư)

Tôi biết bạch hạc là hạc trắng, nhưng la đà thái hư là gì và tại sao lại la đà thái hư? Tôi không hiểu hết nhưng đọc hai câu thơ vẫn cảm thấy hay hay, ngồ ngộ, vương vấn mùi hương Phật giáo.

Tuổi đời thêm một chút, tôi gặp con hạc vàng, qua bài thơ của Thôi Hiệu. Con hạc vàng này không có thật. Có người vào một quán bên sông uống rượu mà không có tiền trả. Ông ta vẽ một con hạc màu vàng trên tường của quán để trừ nợ. Sau khi ông đi rồi, có con hoàng hạc xuất hiện múa và hót cho khách trong quán thưởng thức. Khách đến mỗi ngày một đông, chủ quán mỗi ngày một giàu. Quán xây thêm mấy tầng lầu lộng lẫy đặt tên Hoàng Hạc Lâu.

Rồi một ngày, hoàng hạc biến mất nhưng thi nhân vẫn tìm đến ngắm cảnh đẹp và uống rượu. Thôi Hiệu đến đề bài thơ lên vách. Lý Bạch đến sau đọc bài thơ của Thôi Hiệu ngậm ngùi than rằng vì bài thơ Hoàng Hạc Lâu quá hay nên ông không dám đề thơ. Câu thơ về con hạc vàng được thi sĩ Vũ Hoàng Chương phóng bút thành Vàng tung cánh hạc đi đi mất.  Trắng một màu mây vạn vạn đời. Tuy nhiên, bài thơ lưu danh muôn thuở không phải chỉ do phong cảnh mà vì nó nói lên nỗi lòng của người ly hương, cho dù có đứng trước rừng cây đẹp hay bãi cỏ xanh của xứ người thì nhìn khói chiều trên sông nước lòng vẫn bâng khuâng nhớ về quê cũ.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (Tản Đà)

Ngoài bài thơ Tống Biệt, Tản Đà cũng nhắc đến hạc trong một bài thơ khác:

Trông khắp trần gian hết thú chơi
Thèm trông con hạc nó lên trời.
Hạc kia bay bổng tuyệt vời
Hỏi thăm cung Nguyệt cho người trọ không?

Câu chuyện hoàng hạc múa hát làm vui tửu khách khiến tôi nghĩ rằng tiếng hót của con hạc phải hay. Nhà thơ Nguyễn Du so sánh tiếng đàn của Kiều với tiếng hạc qua mấy câu thơ.

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Một con hạc đang hong cánh (ảnh: tác giả)

Cổ tích của Ai Cập và La Mã đều có nói đến tiếng kêu của loài hạc. Dù hạc và tiếng kêu của hạc là điềm lành, biểu tượng của sự tái sinh, nhưng các nhà viết cổ tích Ai Cập và La Mã đều nói rằng tiếng kêu của hạc nghe chát chúa và áo não. Bạn có bao giờ được nghe tiếng hạc?  Việt Nam có một tuồng cải lương có tựa Tiếng Hạc Trong Trăng nói về tình yêu của một cô gái mù. Trang phục của diễn viên trong vở tuồng này thấp thoáng nét của trang phục Nhật Bản. Tên vở tuồng cải lương và câu thơ của Nguyễn Du khiến tôi tưởng tượng tiếng hạc nghe chắc phải hay, thơ mộng, và lãng mạn. Chắc chắn phải ngược lại với miêu tả của các nhà văn cổ tích Ai Cập và La Mã.

Biết hạc màu trắng, giọng hạc trong, nhưng hạc có phải là loài chim có thật? Nó ra làm sao?  Mấy mươi năm trong đời, tôi chỉ biết vài loại chim như chim sẻ, con cò, và một vài loại chim khác qua mấy câu ca dao:

Cái cò, cái vạc, cái nông.
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò.

Nghe câu hát vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi, tôi cho rằng con vạc cũng là con hạc. Hai câu ca dao nói trên khiến tôi đoán rằng con hạc có thể là loài chim có thật, và loài chim này sống ở nông thôn như con cò chứ không phải ở Thiên Thai. Nhà thơ Nguyễn Trãi có bài thơ:

Cò nằm hạc lặn nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con

Mãi đến năm 2012 khi hiking trong rừng thường xuyên, tôi mới biết hạc là loài chim có thật.  Hạc thường tìm thức ăn ở đầm lầy, bờ sông, những nơi nước không sâu lắm. Nó không bay lên đáp xuống thoăn thoắt như các loại chim nhỏ, chỉ đủng đỉnh từng bước một và có thể đứng ở một chỗ rất lâu. Hạc thường đi kiếm ăn một mình và ở nó luôn toát ra một vẻ cô độc.  Nhà thơ Nhật Bản Shiki bắt được nét cô độc của hạc trong bài haiku, bản tiếng Anh của R. H. Blyth.

Rose-mallows are blooming;
The widowed heron
Of the old pond.
Shiki

Dâm bụt nở rộ
Con hạc góa bụa
Bên hồ cũ xưa
(NTHH dịch)

Khi lớp lông mềm bên trong bị ướt, hạc giang cánh ra thật rộng để phơi, nhưng đôi ba lần tôi thấy con hạc xám lật ngửa hai cánh ra trước ngực như một người áo lam đứng vòng tay ngang rốn, tôi tưởng lầm nó bị gãy cánh. Tìm trên mạng biết nó lật ngửa cánh phơi cho khô, ngực tôi đỡ thắc thỏm. Chim hạc phơi cánh thì thấy rồi còn con hạc khép cánh tà của Phạm Thiên Thư ra làm sao?

Hạc xưa về khép cánh tà
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần.

Không biết. Nhưng câu thơ bổng trầm gợi trong tôi một vẻ đẹp chỉ có trong thi ca. Tiếng hạc đọng lại thành những giọt mưa và rơi xuống. Nhẹ nhàng. Trầm ngâm. Câu thơ khiến tôi, một người không biết làm thơ, suy nghĩ. Thơ là như vậy. Những con chữ được ghép lại một cách vần điệu, âm thanh trầm bổng, chứa đựng một hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của kiều nữ.  Người đọc không cần hiểu hết nghĩa của từng chữ từng câu. Chỉ cần cảm nhận được, dù một cách mơ hồ, cái đẹp của bài thơ.

Minh họa: dattatreya-patra-unsplash

Hạc tiếng Anh là crane thuộc nhóm Gruidae, người miền Bắc gọi là con sếu. Vạc tiếng Anh là heron thuộc nhóm Ardeidae còn được gọi là con diệc. Ardea Cinerea con chim màu xám tro xuất hiện ở cổ thành Ardae đổ nát của La Mã là con heron. Bạn hãy để ý cái nguồn gốc Ardea. Trước kia các nhà điểu học đã xếp vạc và hạc vào nhóm Ardeidae. Cò thuộc về nhóm Ciconiidae. Hạc, vạc, và cò có nét giống nhau ở chỗ cổ cong và cẳng cao. Hạc, vạc, và cò (stork) đều là loại chim to.

Người ta tôn kính hạc có thể tại vì vóc dáng to lớn của hạc. Người xưa hay thờ những con vật có thể làm người ta sợ hãi. Khi Huy Cận viết Lòng anh mở với quạt này, trăm con chim mộng về bay đầu giường, tôi chắc chắn trăm con chim mộng này không phải là chim hạc.  Nếu là hạc thì người ta phải dời cái giường ra giữa đồng mới đủ chỗ cho trăm con. Và người em nào đó nằm trên giường chắc là sợ mất vía với trăm con hạc đập cánh phần phật.

Ở đường trail Delaware và Raritan, dọc theo sông Millstone và Raritan, có loại vạc xám người Mỹ gọi là great blue heron để phân biệt với heron có hình dáng nhỏ hơn. Rất có thể Ardea Cinerea, trong huyền thoại La Mã, là great blue heron. Người Mỹ dùng chữ blue để miêu tả loạt màu từ xanh đậm cho tới xanh nhạt cho tới xám nhạt. Vạc trắng egret hơi nhỏ hơn loài vạc xám. Hạc và rùa thường đậu và nằm trên những gốc cây dọc bờ sông. Điêu khắc gia Việt Nam có lẽ đã mang hình ảnh này vào chùa và đền thờ qua những bức tượng.

Con hạc trắng (sếu) mãi đến bây giờ tôi cũng chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Ở Hokkaido có loại sếu trắng đầu đỏ nổi tiếng bay múa rất đẹp trong mùa gọi tình. Tôi chỉ được thấy tận mắt loại hạc – sandhill crane, màu xám nhạt nhỏ hơn con vạc xám – great blue heron cỡ một chín một mười, và trên má có màu đỏ. Mùa Đông, loại hạc này thiên di ngang New Jersey.  Tôi gặp một đàn mười con đậu trên đồng cỏ khô.

Tôi cũng nhận ra một điều; tiếng hạc không hay, không êm ái du dương, như tôi tưởng tượng. Thỉnh thoảng tôi vô tình đến gần chỗ hạc đang đứng, khiến nó hoảng sợ vụt bay, để rơi lại trong thinh không một chuỗi âm thanh arck… arck… arck nghe chát chúa. Nguyễn Du bảo là trong, có lẽ là trong trẻo hay trong vắt, nhưng trong trẻo đâu có nghĩa là thanh tao dịu dàng. Bảo đảm, trong đêm, dù bạn đang ngủ nằm mơ cũng có thể bị tiếng hạc đánh thức nhưng không phải tiếng chim như trong mấy câu thơ của Phạm Thiên Thư.

Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng kêu tha thiết bên trời chớm đông.

Kể ra cũng khó phân biệt con vạc và con hạc. Có người quan sát bảo rằng con vạc khi bay rụt cổ lại, còn hạc thì giương cổ ra. Tôi đã nhầm lẫn vạc với hạc. Lần đầu tiên khi gặp great blue heron, tôi đã gọi nó là con hạc xám thay vì vạc xám. Bài văn này không là bài nghiên cứu khoa học về chim, nên sự phân loại chính xác giữa vạc và hạc, tôi mong là có thể bỏ qua.  Con hạc trong bài này là con vạc – heron chứ không phải là con sếu – crane. Mong độc giả tha lỗi.

Nguyễn Thị Hải Hà